Sơn tĩnh điện đã không còn quá xa lạ với bất kỳ ai đang hoạt động trong lĩnh vực sơn – xây dựng. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng công nghệ sơn tĩnh điện gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng. Vậy thực hư như thế nào? Chúng ta hãy tìm câu trả lời và tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật sơn này nhé.
Xem thêm: Tổng hợp kiến thức về Sơn kim loại
1. Khái niệm
Sơn tĩnh điện là loại sơn một lớp (mà không cần lót) có thể phủ đều lên các bề mặt vật liệu. Vì vậy, phương pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu rõ hơn về một số khái niệm cơ bản ngay dưới đây:
1.1. Sơn tĩnh điện là gì?
Sơn tĩnh điện là phương pháp phủ sơn lên bề mặt vật liệu dựa trên nguyên lý điện tử (tĩnh điện). Trước đây, có 02 loại sơn tĩnh điện được áp dụng là:
– Sơn tĩnh điện ướt (hay còn gọi là sơn ướt, sơn tĩnh điện nước)
Mặc dù kỹ thuật này áp dụng với đa dạng bề mặt (gỗ, nhựa, kim loại) và cho màu chuẩn hơn so với sơn tĩnh điện khô, tuy nhiên, nó lại có khá nhiều hạn chế. Phương pháp sơn tĩnh điện ướt đòi hỏi phải sử dụng dung môi hữu cơ. Khi thực thi cách này, lượng dung môi không bám vào vật sơn sẽ không thu hồi được để tái sử dụng – Điều này không chỉ là lãng phí, mà còn gây ô nhiễm môi trường
Ngoài ra, sơn ướt còn phát ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Việc tiếp xúc thường duyên với những hợp chất này, đặc biệt là trong không gian kín, sẽ gây kích thích hô hấp và ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung cho thợ sơn.
Ngày nay, sơn tĩnh điện khô thường được lựa chọn và ưu tiên hơn cả, dù cho kĩ thuật này không áp dụng được hết các bề mặt vật liệu. Trong tương lai, hi vọng rằng sẽ có kĩ thuật sơn mới thay thế cho sơn tĩnh điện ướt để phục vụ nhu cầu sơn một cách đa dạng.
– Sơn tĩnh điện khô
Chính vì sự xuất hiện phổ biến hơn cả, nên khi nhắc đến sơn tĩnh điện thì người ta sẽ cho rằng đó là sơn tĩnh điện khô. Bởi vậy, sơn tĩnh điện còn được gọi là sơn khô, cụ thể là ta phủ một lớp nhựa dạng bột khô lên bề mặt được tích điện trái dấu, tạo liên kết mạnh giữa bột sơn và vật cần sơn. Để chi tiết hơn, chúng ta hãy xem về loại bột sơn này cũng như công nghệ sơn tĩnh điện nhé.
1.2. Bột sơn tĩnh điện
Bột sơn tĩnh điện có 03 thành phần chính là: nhựa, bột màu và chất phụ gia. Có 02 loại nhựa phổ biến là:
– Nhựa nhiệt dẻo (polyetylen, polypropylen, nilon, polyvinyclorua, polyesste) dễ dàng hình thành một lớp phủ mà không cần quá trình biến đổi cấu trúc phân tử.
– Nhựa nhiệt rắn (epoxy, acrylic, polyester triglycidyl isoxyanuric – TGIC) xếp chéo với nhau để tạo thành lớp màng vĩnh cửu chịu nhiệt tốt và không bị tan chảy lại.
Để lớp sơn phủ được đều và bền màu, hãy chú ý bảo quản bột sơn tĩnh điện như sau:
– Để nơi khô ráo, khoáng mát, tránh tiếp xúc với nước
– Nhiệt độ bảo quản phù hợp là không quá 30 độ C
– Trong quá trình bảo quản, sắp xếp, vận chuyển, không được chồng quá 05 hộp sơn
– Khi đã mở bao bì, dùng dây buộc chặt miệng túi để ngăn không cho lượng sơn còn thừa tiếp xúc trực tiếp với không khí
1.3. Công nghệ sơn tĩnh điện
Qua nhiều cải tiến bởi các nhà khoa học, các nhà sản xuất chế tạo, thiết bị và bột sơn ngày càng được nâng cao và hoàn chỉnh giúp cho công nghệ sơn tĩnh điện phát triển hơn.
Trong đó có thể kể đến, sơn tĩnh điện nano với máy móc hiện đại và công suất lớn càng tăng thêm hiệu quả bám dính và phủ một cách toàn diện của lớp sơn bên ngoài lên bề mặt kim loại. Điều này sẽ gia tăng độ bền bỉ cũng như thẩm mỹ cho sản phẩm.
2. Phân loại sơn tĩnh điện
Ngày nay, dựa vào mục đích và nhu cầu sử dụng, sơn tĩnh điện được chia làm 02 loại:
– Sơn tĩnh điện trong nhà
Với trường hợp này, bột sơn được dùng chủ yếu là từ nhựa epoxy do có đặc tính kháng hoá tốt, dùng để phun lên bề mặt kim loại yêu cầu cao về tính chống xói mòn, cách điện và đàn hồi.
Bột sơn tĩnh điện trong nhà rất đa dạng: Sơn bóng cao (trên 80%), sơn bóng mờ thường (50 – 80%), sơn mờ căm (20 – 50%), phục vụ tuỳ mục đích và nhu cầu của người dùng.
– Sơn tĩnh điện ngoài trời
Bột sơn thường sử dụng để sơn tĩnh điện ngoài trời là bột polyester có khả năng chống chịu tốt trước tự thay đổi của thời tiết. Do đó, loại sơn này được dùng để sơn vỏ điều hoà không khí, đèn ngoài nhà, cửa cuốn, cửa pano 4 cánh.
Sơn tĩnh điện ngoài trời có đặc tính chống rỉ tốt, chịu nhiệt cao, chống cả vi khuẩn, đảm bảo độ bền và màu sắc đẹp làm tôn thêm nét thẩm mỹ cho kết cấu sản phẩm.
3. Quy trình phun sơn tĩnh điện đạt chuẩn
3.1. Làm sạch bề mặt
Tương tự như các kĩ thuật sơn khác, bước đầu tiên trong quá trình sơn tĩnh điện là cần phải làm sạch bề mặt khỏi các tạp chất (dầu mỡ công nghiệp, rỉ sét, lớp sơn cũ…) bằng các dung môi chuyên dụng hoặc hoá chất pha loãng (acid sulfuric, acid chloric, phosphat). Đây là bước quan trọng và cần thực hiện kĩ càng để đảm bảo cho bột sơn bám dính tốt lên bề mặt kim loại. Chú ý làm khô bề mặt trước khi tiến hành sơn.
Tìm hiểu thêm: Cách tẩy sơn kim loại sạch như mới
3.2. Tiến hành phun sơn
Thiết bị chính là súng phun sơn và bộ điều khiển tự động. Các thiết bị khác bao gồm: buồng phun sơn, hệ thống thu hồi bột sơn, buồng sấy tự động, băng tải, máy nén khí, các bồn chứa hoá chất…
Nguyên lý hoạt động: Khi đi qua thiết bị súng sơn tĩnh điện, bột sơn sẽ tích điện (+), đồng thời vật sơn được tích điện (-). Điều này tạo ra hiệu ứng trái dấu giúp cho bột sơn bị hút lại và bám dính trên bề mặt.
3.3. Sấy khô sản phẩm
Đem sản phẩm sau khi sơn đi sấy khô một cách nhẹ nhàng và cẩn thận: sấy ở nhiệt độ 180 – 200 độ C trong 20 phút, bột sơn sẽ chảy và tạp thành màng sơn liên kết chặt, rồi ủ khoảng 10 phút tiếp theo cho sơn “chín”. Thời gian sấy cũng như nhiệt độ sấy có thể tuỳ chỉnh theo loại sơn, kích thước sản phẩm hoặc mục đích sử dụng.
Sau đó, bạn có thể sơn thêm một lớp phủ màu tĩnh điện bên ngoài hoặc là lớp tĩnh điện thứ 2 để tăng độ bóng, tăng thẩm mỹ cho sản phẩm cũng như bảo vệ bề mặt khỏi bị trầy xước, bong tróc sơn.
4. Ứng dụng của sơn phun tĩnh điện
Như đã nói ở trên, sơn tĩnh điện thích hợp đối với các bề mặt kim loại từ sắt thép truyền thống cho đến những bề mặt trơn trượt, khó bám dính như nhôm, mạ kẽm, inox.
Hiện nay, công nghệ sơn tĩnh điện được áp dụng rộng rãi, từ các ngành công nghiệp như: hàng hải, hàng không, công nghệ chế tạo xe hơn và xe gắn máy… đến các lĩnh vực sơn trang trí hay xây dựng dân dụng như: kệ sắt thép mạ kẽm, hàng rào rắt thép, cổng nhôm, khung võng kim loại…
5. Ưu – nhược điểm của công nghệ sơn tĩnh điện
Dù là bất kỳ kĩ thuật nào cũng đều có ưu – nhược điểm của từng loại. Sơn tĩnh điện cũng vậy, tuy nhiên kĩ thuật này lại được khá nhiều người tin tưởng lựa chọn vì nó sở hữu hàng loạt các ưu điểm sau:
5.1. Ưu điểm
– Tính thẩm mỹ
Do kĩ thuật sơn thực hiện dựa trên nguyên tắc tĩnh điện, nên khi lớp sơn ở khu vực nào đó quá dày, mật độ điện tích (+) sẽ đẩy ra xung quanh, ngăn không cho bột sơn tập trung quá nhiều. Điều này khiến cho bề mặt kim loại sau khi sơn không chỉ đồng đều, láng mịn mà màu sắc cũng được đồng nhất và lên màu chuẩn.
– Tính lâu bền
Phun sơn tĩnh điện đạt được độ bao phủ lớn, vì bột có thể phun lên mọi góc cạnh và chi tiết của vật liệu mà không cần trực diện với súng phun, tạo nên màng liên kết vững chắc chống mài mòn và trầy xước bề mặt. Ngoài ra, thành phần nhựa trong bột sơn có khả năng chịu nhiệt tốt, chống ẩm và ngăn ngừa tình trạng oxy hoá làm hư hỏng sản phẩm.
– Tính kinh tế
Sơn tĩnh điện khô được đánh giá là mang lại lợi ích kinh tế cao. Đó là do, hiệu quả bám dính của lớp sơn (nhờ nguyên tắc tĩnh điện) lên đến 60 – 70%. Bởi vậy, khi sử dụng kĩ thuật này có thể không cần phải dùng đến sơn lót. Đồng thời, lượng sơn không bám dính được thu hồi và tái sử dụng được.
– Tính an toàn và thân thiện với môi trường
Khác với sơn tĩnh điện nước, kĩ thuật sơn khô không cần đến dung môi hữu cơ gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình thực hiện. Chính bởi vậy, sơn tĩnh điện cũng không cần đến thiết bị phân huỷ. Với thành phần của sơn bột, bạn không lo xuất hiện những hoá chất dễ bay hơi ảnh hưởng đến sức khoẻ.
– Nâng cao hiệu suất
Công nghệ sơn tĩnh điện sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hoàn thiện sản phẩm, không phải phụ thuộc vào thời tiết cũng như không phụ thuộc quá nhiều vào trình độ người thợ bởi cả hệ thống là tự động hoá.
Tìm hiểu thêm: Sơn đa năng 2TP – Sơn trên mọi chất liệu
5.2. Nhược điểm
Có thể thấy rằng, phương pháp này đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị và máy móc chuyên dụng nên sẽ tốn kém chi phí. Ngoài ra, mặc dù tiết kiệm được nhân công nhưng những người thợ thực hiện phải có kinh nghiệm và thành thạo trong việc vận hành để có thể kiểm soát được hệ thống phun sơn này.
6. Những lưu ý khi sơn
Sơn tĩnh điện có độc hại không?
Với đặc điểm của bột phun sơn kể trên, thì mức độ độc hại của sơn tĩnh điện là không đáng kể (so với kĩ thuật sơn tĩnh điện nước). Tuy nhiên, việc hít phải sơn và bột sơn bám dính lên trang phục là điều không tránh khỏi. Vì vậy, hãy trang bị cho mình trang phục và dụng cụ bảo hộ lao động cơ bản, kĩ năng phun sơn cũng như việc sử dụng thiết bị, dụng cụ cần đạt chuẩn theo yêu cầu.
Tìm hiểu thêm: Mẹo hay cho Sơn xịt kim loại
7. Giá thành cho sơn tĩnh điện
Mặc dù, nguyên liệu dùng cho sơn tĩnh điện có giá thành cao hơn hẳn so với các phương pháp khác, tuy nhiên, có nhiều trường hợp chi phí sản xuất lại thấp hơn. Ngoài ra, sơn phun tĩnh điện đem lại thành phẩm tốt, độ bền cao nên sẽ không tốn kém quá nhiều chi phí cho việc bảo dưỡng.
Hi vọng rằng, bài viết đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích về công nghệ sơn tĩnh điện. Với những ưu điểm vượt trội so với thị trường, sơn tĩnh điện sẽ tiếp tục là xu hướng mà nhiều người quan tâm.