Tất cả các loại sơn phủ sử dụng trên các sản phẩm từ gỗ đều được gọi chung là sơn gỗ, có thể kể đến như sơn PU (Polyurethane), sơn NC (Nitrocellulose),… Sơn gỗ có thể được phân loại thành gốc nước và gốc dầu. Theo độ bóng, nó được chia thành bóng kính, bóng cao, bán mờ và mờ. Theo mục đích, nó có thể được chia thành sơn gỗ nội thất, sơn gỗ ngoài trời, sơn gỗ tự nhiên, sơn gỗ công nghiệp… Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt và lựa chọn đúng loại sơn cho gỗ phù hợp với mục đích, nhu cầu của bản thân.
1. Mục đích và yêu cầu đối với sơn dùng cho gỗ
1.1. Mục đích
Gỗ là sản phẩm của tự nhiên, có cấu trúc phức tạp, chất liệu bề mặt không phẳng, xốp. Tuy nhiên, chính kết cấu đặc biệt cũng như vẻ ngoài và màu sắc của gỗ đã tạo nên sức quyến rũ tuyệt vời của nó. Các sản phẩm từ gỗ bao gồm gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp (MDF, MFC, PVC,…). Gỗ được dùng để chế tác đồ nội thất, cửa ra vào, các đồ dùng, đồ chơi… Và các loại sơn cho những sản phẩm này gọi chung là sơn gỗ. Nhìn chung, việc sơn gỗ có 2 mục đích cơ bản:
(1) Làm đẹp bề mặt gỗ: Nâng giá trị thẩm mỹ cho kết cấu gỗ cũng như tạo cảm giác trơn mịn khi tiếp xúc bề mặt gỗ cho người sử dụng.
(2) Bảo vệ chất gỗ: sơn bảo vệ gỗ chống ẩm, chống nước, kháng dầu, kháng hóa chất. Một số dòng sơn gỗ cao cấp có thêm các tính năng đặc biệt như chịu nhiệt, chống tia UV, thậm chí cách âm, cách điện,…
1.2. Yêu cầu với sơn gỗ
Không giống như các chất liệu khác, gỗ có nhiều đặc tính ảnh hưởng đến hiệu quả sơn phủ, ví dụ như: bề mặt không đều (chứa nhiều ghim, mắt, lỗ…), chứa tanin, nhựa gây mất màu, dễ ngấm nước làm co ngót, cong vênh hay phồng lên khiến độ bám dính của sơn giảm… Do những đặc tính đó, yêu cầu của sơn dành cho gỗ cần có:
– Lớp sơn lót cần có độ liên kết tốt giữa bề mặt gỗ và sơn phủ. Cần có độ bám dính cao, khả năng chống ẩm tốt.
– Màng sơn phủ cần có độ dẻo dai, độ bền cao.
– Nước sơn gỗ cần có đặc tính trang trí tốt: với hệ sơn clear thì cần độ trong cao để nổi vân gỗ, với hệ sơn pigment thì chú trọng độ đậm đặc của tinh màu NC.
– Lớp phủ cần có tính chất cơ học, chịu nước, kháng hóa chất, chống bụi để đạt hiệu suất bảo vệ tốt cho bề mặt gỗ.
– Màng sơn có độ cứng cao, chống mài mòn và tạo xúc cảm mịn khi tiếp xúc với da.
– Có thể sơn lại đồ gỗ dễ dàng.
Xem thêm: Làm sao để sơn gỗ nhanh khô
2. Lưu ý khi lựa chọn sơn gỗ
Một trong những nhận định đúng nhất khi lựa chọn sơn gỗ, đó là: Không có sơn gỗ loại nào tốt nhất, mà chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Vậy như thế nào là phù hợp? Xem ngay lời giải đáp dưới đây nhé:
2.1. Lựa chọn sơn gỗ theo mục đích sử dụng
Sơn gỗ thành phần khác nhau có những đặc tính khác nhau, vậy bạn nên tùy theo mục đích sử dụng để xác định loại sơn cho đồ gỗ. Ví dụ:
– Sàn gỗ, bàn ghế gỗ yêu cầu màng sơn rất cứng và chịu được mài mòn. Sơn gỗ PU có thể đáp ứng tốt yêu cầu này.
– Sơn NC có lớp phủ mỏng nên có thể phản ánh tốt kết cấu của bề mặt gỗ. Sau khi sơn, gỗ có bề mặt mịn hơn, không có vết sơn và có thể giữ lại hoàn toàn kết cấu thực của gỗ, vì vậy nó chủ yếu được sử dụng cho các đồ gỗ thủ công trong nhà …
– Nếu bạn là người không chuyên tự sơn gỗ tại nhà, các bình sơn xịt gỗ là lựa chọn dễ dàng, thi công đơn giản hơn so với các dòng sơn PU đòi hỏi kỹ thuật và điều kiện thi công cao.
2.2. Lựa chọn sơn giữ vân gỗ (clear)
Sơn giữ vân gỗ thường được phân loại theo độ bóng, gồm: bóng kính (90-100%), bóng cao (khoảng 75%), bán mờ (50%), và mờ (độ bóng dưới 50%). Miền Bắc và miền Nam có cách gọi về độ bóng khác nhau. Miền Bắc gọi độ bóng, còn miền Nam gọi là độ mờ.
Ví dụ: Hà Nội gọi bóng 30% thì thợ Sài Gòn sẽ gọi mờ 70%, hay bóng 50% và mờ 50%…
Sơn có độ bóng cao thường chậm khô hơn sơn mờ. Sơn bóng phản xạ ánh sáng, bắt mắt và thu hút ánh nhìn khi mới sơn, nhưng khi lau chùi nhiều sẽ mờ dần. Ngược lại, sơn mờ (75% trở lên) có đặc điểm là càng dùng càng bóng.
2.3. Lựa chọn sơn lấp vân gỗ (pigment)
Sơn gỗ trắng (trắng bóng/ trắng mờ) là loại sơn phổ biến nhất trong hệ pigment. Ngoài ra bạn có thể phun tinh màu NC với màu sắc mong muốn cho sản phẩm.
Lưu ý: Khi lựa chọn dòng sơn này là bạn cần phân biệt sơn trong nhà và sơn ngoài trời. Các dòng sơn ngoài trời sẽ có tính năng cao cấp hơn như chống ngả ố, ngả vàng, có thể chịu được tia UV từ ánh sáng mặt trời mà không bị biến đổi màu, hoặc chịu được nhiệt độ cao từ phòng bếp, lò sưởi…
Vì vậy, khi chọn sơn gỗ cho đồ dùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng tự nhiên hay gần nguồn nhiệt cao, thì nên sử dụng loại sơn gỗ ngoài trời.
Xem thêm: Những ưu điểm của sơn phun mà bạn cần biết
2.4. Lựa chọn màu sắc của sơn
Màu sắc của sơn gỗ có thể được lựa chọn theo sở thích của người tiêu dùng và phong cách trang trí. Nói chung, nội thất cổ điển chủ yếu là màu tối, nội thất thời trang chủ yếu là màu sáng, phòng hướng Bắc nên chọn màu sáng, phòng hướng Nam nên chọn màu tối. Đồ nội thất màu sáng tự nhiên phù hợp với người trẻ, và người già thích màu tối.
Khi chọn màu sơn, bạn nên xem loại bảng màu dùng sơn trực tiếp trên mẫu (thay vì bảng màu in giấy thông thường) để xác định và lựa chọn một cách chính xác nhất.
2.5. Kiểm tra nguồn gốc và chứng nhận
Khi chọn sơn gỗ, bạn chú ý xem đó có phải là sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín không, có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng hay không, xem số lô và ngày sản xuất, xác nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn trước khi mua.
Đặc biệt, sơn gốc nước là loại sơn gỗ an toàn, nhưng bạn cần xác định rõ sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể nào về an toàn và bảo vệ môi trường. Ví dụ, một số các chứng nhận tiêu chuẩn an toàn được in trên lon sơn có thể kể đến như:
– ISO – MATT – 0066: Quy chuẩn kỹ thuật trong ISO – MATT – 0066 đưa ra yêu cầu về sơn phủ bề mặt, dung môi và các chất pha loãng dùng để xử lý bề mặt trước và sau khi phủ các sản phẩm. Quy chuẩn này đáp ứng tất cả các yêu cầu của IKEA (tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới).
– RoHS: Là tiêu chuẩn được viết tắt từ cụm từ Restriction Of Hazardous Substances, nhằm hạn chế một số chất nguy hại có liên quan theo tiêu chuẩn EU.
– REACH: Viết tắt của cụm từ Registration (đăng ký), Evaluation (đánh giá), Authorization (cấp phép), Restriction (hạn chế). Đây là tiêu chuẩn ngăn ngừa sản phẩm, hóa chất gây nguy hại cho sức khỏe con người do EU quy định.
2.6. Lựa chọn hệ sơn đồng bộ
Khi chọn sơn phủ gỗ, bạn cần chú ý lựa chọn dung môi, chất đóng rắn hay sơn lót gỗ đồng bộ đi kèm. Các dòng sơn PU khi mua thường ghi rõ trên lon sơn là sử dụng đồng bộ sản phẩm để mang lại hiệu quả cao nhất. Nói một cách cụ thể hơn, các loại sơn phủ luôn có sơn lót, chất đóng rắn và dung môi đi kèm tương ứng.
Ví dụ, nếu sơn phủ và sơn lót thuộc 2 nhãn hiệu khác nhau, rất có thể sẽ gây ra phản ứng xấu và tạo ra hiệu quả hoàn thiện bề mặt không như mong đợi.
Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể lựa chọn các loại dung môi khô nhanh hoặc khô chậm theo nhu cầu mong muốn. Nếu không rõ sơn gỗ bao lâu thì khô, hay phải thi công bề mặt rộng mà lo sơn khô trước khi xong, thì thợ sơn có thể sử dụng dung môi chậm khô để pha sơn.
3. Các loại sơn gỗ phổ biến
Sự khác biệt giữa sơn gỗ gốc nước và sơn gỗ gốc dầu chủ yếu xoay quanh dung môi. Sơn gốc nước là loại sơn sử dụng nước làm chất pha loãng, được tổng hợp từ thành phần nhựa hòa tan trong nước. Còn sơn gốc dầu là sơn sử dụng dung môi hữu cơ để pha (như butyl).
Sơn gỗ gốc nước sử dụng nước làm dung môi nên không gây hại. Đây là loại sơn đồ gỗ an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên sơn gốc dầu được đa số người Việt lựa chọn sử dụng hơn bởi 03 yếu tố: (1) là độ cứng và độ hoàn thiện tốt hơn, (2) là điều kiện thi công và hiệu suất cao hơn, và (3) là giá thành hợp lý.
3.1. Sơn gỗ gốc nước
Trên thị trường có nhiều thương hiệu sơn gỗ gốc nước khác nhau, nhưng dựa theo thành phần chính có thể được phân ra 03 loại cơ bản:
– Sơn gỗ gốc nước tổng hợp từ acid acrylic (C3H4O2): Đặc điểm chính là độ bám dính tốt và không làm mất màu của gỗ nhưng khả năng chịu mài mòn và kháng hóa chất kém, độ cứng của màng sơn mềm và dễ tạo ra các khuyết tật trong quá trình hoàn thiện thi công. Đây là dòng sơn gỗ gốc nước giá rẻ phổ biến trên thị trường.
– Sơn gỗ gốc nước tổng hợp từ propylene và polyurethane: Loại sơn có đặc tính chịu mài mòn và kháng hóa chất, độ cứng tốt hơn, có tính năng tổng thể gần bằng sơn dầu.
– Sơn gỗ gốc nước polyurethane: Dòng sơn có tính năng toàn diện tốt nhất, độ hoàn thiện cao, độ cứng và khả năng chống mài mòn cao, đồng thời có ưu điểm về độ bền cũng như tính đa dạng màu.
3.2. Sơn gỗ gốc dầu
– Sơn mài tự nhiên
Đây là loại sơn phủ truyền thống của ông cha ta từ hàng nghìn năm nay. Sơn mài có nguồn gốc từ cây sơn, với nguyên liệu chính lấy từ nhựa cây sơn, dầu tung, nhựa thông… Sơn mài truyền thống chỉ có 2 màu duy nhất là cánh gián đỏ và đen. Do có nhiều hạn chế cũng như năng suất thấp, giá thành cao, cùng với sự xuất hiện của các lớp phủ hóa học hiện đại, vậy nên phạm vi ứng dụng của sơn mài ngày càng hẹp và đang dần bị thay thế.
Sơn vecni từng là loại sơn phổ biến nhất trong trang trí nhà cửa và sơn đồ gỗ vì nó dễ dùng, không đòi hỏi kỹ thuật thi công. Sơn vecni có đặc điểm là trong suốt, tạo màng nhanh, chống thấm nước, nhược điểm là độ cứng của màng sơn không cao, khả năng chịu nhiệt kém, dễ ngả vàng dưới tác dụng của tia cực tím.
– Sơn PU
Sơn PU (polyurethane) là loại sơn được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành nội thất đồ gỗ hiện nay tại Việt Nam. Sơn PU có màng sơn chắc chắn, độ bóng, độ bám dính cao, chịu nước, chống mài mòn và chống ăn mòn. Một số dòng sơn PU cao cấp được sản xuất trên công nghệ mới hiện nay đã khắc phục được một số nhược điểm như: dễ bị phồng rộp, ẩm và tạo phấn trắng, ố vàng…
– Sơn NC
Sơn NC là loại sơn tương đối phổ biến cho đồ gỗ và trang trí. Vật liệu tạo màng chính của sơn NC chủ yếu là Nitrocellulose (NC). Đặc điểm của sơn NC là tốc độ khô nhanh, màng sơn sáng và mịn, có thể dùng để gia công và sửa chữa đồ gỗ tốt. Tuy nhiên, khả năng chịu nhiệt và kháng hóa chất của màng sơn NC không tốt bằng sơn Polyurethane (sơn PU), dễ bị ố trắng khi thi công trong thời tiết có độ ẩm cao
– Sơn UV
Sơn UV là sơn gỗ đóng rắn bằng tia UV, sử dụng hệ thống máy móc thiết bị đặc biệt để chiếu xạ tia cực tím đóng rắn. Sơn UV là một trong những loại sơn gốc dầu thân thiện với môi trường, nhưng đa phần phổ biến ở các nước Châu Âu, tại các xưởng sản xuất đồ gỗ quy mô đầu tư lớn với dây chuyền sản xuất sơn UV hoàn chỉnh và hiện đại.
– Sơn PE
Sơn PE là loại sơn được làm từ nhựa polyester, màng sơn dày và cứng. Sơn polyester bắt buộc cần chất đóng rắn mới khô được (chất đóng rắn hay còn gọi là chất làm cứng chiếm 1/3 hỗn hợp sơn). Thành phần chính của chất này là TDI. Theo thời gian, các TDI sẽ ngả dần sang màu vàng, khiến bề mặt sơn bị ố, thậm chí lan sang cho đồ vật hay tường gần kề. Các loại sơn PE chống ngả vàng hiện nay không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng ố.
Là loại sơn tổng hợp từ nhựa alkyd. Ưu điểm của dòng sơn này là độ hoàn thiện tốt, độ phủ tốt, đẹp và đa dạng về màu sắc, có độ bám dính cao. Nhược điểm là khô chậm và độ cứng kém.
Tìm hiểu thêm về các loại sơn gỗ trên thị trường
Là loại sơn được tổng hợp từ nhựa acrylic, có độ bóng cao, bền màu và chống tia UV, chịu nhiệt tốt. Màng sơn cứng, bám dính, phù hợp với các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời. Nhược điểm là màng sơn giòn và khả năng chịu lạnh kém.
4. Lưu ý
Mỗi loại sơn có cách thức pha chế và sử dụng khác nhau. Bạn cần đọc kĩ hướng dẫn thi công của công ty sản xuất sơn gỗ, kết hợp với kinh nghiệm và kỹ thuật của bản thân để sử dụng sơn đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, giá sơn gỗ sẽ khác nhau tùy vào chủng loại, nhãn hiệu và khu vực. Bạn nên liên hệ trực tiếp với các đại lý sơn gỗ tại địa phương để nắm được mức giá chính xác nhất.
Trên đây là tổng hợp và phân loại các dòng sơn gỗ hiện có trên thị trường. Chỉ khi nắm rõ được các thông tin này, bạn sẽ có những đánh giá tổng quát nhất. Sơn gỗ đẹp không chỉ mang đến chất lượng sản phẩm hoàn hảo, lâu bền mà còn tối ưu được giá thành, thời gian để bạn không phải tốn kém, mất công sơn sửa nhiều lần. Chúc các bạn lựa chọn được loại sơn gỗ phù hợp nhất!